Có nên cho con trải nghiệm từ sớm?
Học tập thông qua các trải nghiệm sẽ có những tác động tích cực đến khả năng sắp xếp và tiếp thu của trẻ. Tuy biết vậy, nhiều phụ huynh còn rất “xót con”, cho rằng con còn bé thì cần được chiều chuộng và bảo bọc kỹ càng. Có nhiều phụ huynh đã đặt câu hỏi: “có nên cho con trải nghiệm từ sớm không?” hay “cho con trải nghiệm sớm có ảnh hưởng xấu gì đến con không?”
>> Xem thêm bài viết: Chia sẻ nuôi dạy con của bà mẹ 8x bận rộn.
Trong bài viết này, Yonah sẽ phân tích và chỉ ra cho bạn đọc những phương pháp an toàn để con trải nghiệm và có quá trình trưởng thành đáng nhớ.
Con lớn dần qua từng trải nghiệm
Ở những năm đầu đời của trẻ, hầu hết mọi trải nghiệm còn rất mới mẻ. Lúc này, não bộ của trẻ đang dần phát triển qua cơ chế ghi nhận và lặp lại. Vì vậy, đứa trẻ nào cũng rất cần một môi trường nơi mà các con được tiếp xúc với những trải nghiệm mới, tạo cơ hội cho việc vui chơi, học hỏi và phát triển não bộ.
Nhờ việc trải nghiệm mà khả năng tư duy và các giác quan của trẻ được kết nối và phát triển rất mạnh. Việc thực hành trên thực tế sẽ giúp trẻ tích lũy nhiều kinh nghiệm và thành thạo, đặc biệt trẻ sẽ mạnh dạn và chủ động hơn theo thời gian. Hơn cả, những trải nghiệm thực tế sẽ giúp các con hình thành nên những đam mê cá nhân. Những trải nghiệm tạo cho các con cơ hội khai phá những quan điểm trên nhiều góc độ, thúc đẩy nhu cầu phát triển vốn tri thức.
Tôi có thể đóng góp như thế nào trong quá trình trưởng thành của con?
Về bản chất, việc học tập và trưởng thành của con sẽ diễn ra mỗi ngày. Đặc biệt đối với trẻ từ 1-5 tuổi, các con luôn tìm cách để học hỏi để tham gia vào thế giới xung quanh. Việc thu thập kiến thức qua sách vở hoặc các phương tiện thông tin khác là rất cần thiết. Tuy nhiên, gia đình cần hiểu rằng việc khám phá không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn cần qua quá trình thực hành. Khi được tự mình thực hành, trẻ sẽ quan sát, đặt câu hỏi, tương tác và tìm câu trả lời cho vấn đề. Thông qua các trải nghiệm này, trẻ có thể phát triển toàn diện khả năng quan sát, phân tích và sắp xếp vấn đề, ra quyết định, tính bền bỉ, …
Gia đình có thể cho trẻ trải nghiệm tùy thuộc vào điều kiện gia đình và khả năng tiếp nhận của trẻ. Gia đình hãy cố gắng tạo cho con môi trường ấm áp để trẻ có thể thoải mái tương tác. Nhiều nghiên cứu cho rằng những tình huống vui tươi, nhiều năng lượng tích cực có thể kích hoạt việc khám phá một cách tự nhiên. Do đó, hãy cho trẻ tiếp cận với nhiều môi trường thú vị để trẻ có thể học hỏi và ghi nhớ.
Trải nghiệm cho trẻ nhỏ 0-3 tuổi
Ở khoảng thời gian này, gia đình nên tạo cho trẻ một môi trường đa dạng về màu sắc, âm thanh, hình ảnh, ngôn ngữ để giúp trẻ tiếp thu thông qua 5 giác quan. Cơ chế ghi nhận và lặp lại của não bộ sẽ tích lũy thông tin và giúp con hiểu sớm hơn.
Trải nghiệm cho bé từ 3-6 tuổi
Thời gian này trẻ đã cứng cáp hơn nhiều. Gia đình nên cùng trẻ tham gia đa dạng các loại trải nghiệm để có thể sớm phát hiện năng khiếu ở trẻ. Ngoài việc cho phép trẻ dần làm quen với những công việc ở nhà và trường học, cha mẹ có thể cho con tiếp xúc nhiều hơn với các bạn mới, khám phá các địa điểm mới mẻ, học âm nhạc, học mỹ thuật, học ngoại ngữ … Tại thời điểm này, não bộ của trẻ đang phát triển rất mạnh mẽ, nên các con sẽ có khả năng tiếp thu một cách thuần túy, không cần phải tuân theo một quy chuẩn bó buộc nào trong việc giáo dục. Chỉ đơn giản là khơi gợi niềm yêu thích cho trẻ, trẻ sẽ chủ động tìm tòi.
Ví dụ với việc học ngoại ngữ, bố mẹ nên cho con xem hoạt hình, ca nhạc, thậm chí là giao tiếp bằng loại ngoại ngữ đó. Thời điểm này trẻ sẽ tự suy đoán và hiểu nghĩa của từ mà không cần phải dịch sang tiếng Việt. Từ đó, trẻ sẽ có khả năng hình thành tư duy trực tiếp, tạo tiền đề tốt nhất cho việc thông thạo một loại ngôn ngữ.
Trải nghiệm cho con từ 6-11 tuổi
Ở độ tuổi này, con đã nhận thức được đúng sai, có những nhìn nhận và phân tích phức tạp hơn về thế giới xung quanh. Do đó, con sẽ hỏi rất nhiều. Lúc này, con sẽ học hỏi được nhiều điều thú vị về trí tuệ lẫn đạo đức từ những tình huống mà con gặp phải. Cha mẹ nên thường xuyên tâm sự để hiểu được mong muốn của con, cho con thử những điều mà con muốn thử. Đây là thời gian phù hợp để con học ngoại ngữ, học toán, học các môn năng khiếu, học kỹ năng sống, khả năng tự lập, học cách thấu hiểu.
Trải nghiệm cho con tuổi dậy thì
Ở tuổi dậy thì, con thường có xu hướng mong muốn thể hiện tính tự chủ trong tư duy. Con sẽ muốn tham gia đóng góp ý kiến và tự mình đưa ra các quyết định. Vì thế, cha mẹ cần kiên nhẫn và cố gắng tạo điều kiện cho con chủ động thực hiện các mong muốn cá nhân trong một giới hạn nhất định (ví dụ như tự chọn môn học ngoại khóa, tự chọn quần áo, tự thiết kế phòng học, tự chi tiêu tiền tiêu vặt …).
Với mong muốn vươn ra thế giới bên ngoài và thể hiện bản thân mạnh mẽ của con, cha mẹ thường rất lo lắng con sẽ tiếp cận với những điều không hay trong xã hội. Vì thế, thời gian này phụ huynh hãy cho con tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, cắm trại, từ thiện, … để con vừa có cơ hội thể hiện mình, vừa kích thích con học hỏi những điều tốt đẹp.
Nói tóm lại, việc nuôi dạy con trẻ trưởng thành chưa bao giờ là dễ dàng. Gia đình hãy luôn ở bên động viên con trên chặng đường trưởng thành. Mọi trải nghiệm đều quý giá và xứng đáng. Phụ huynh hãy dìu dắt con bước đi từ những bước chập chững đầu tiên, để con có thể vững bước trên hành trình tương lai.