DẠY CON SỬ DỤNG INTERNET: “VẼ” ĐÚNG, “HƯƠU” SẼ CHẠY ĐÚNG ĐƯỜNG
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, sử dụng internet là nhu cầu tất yếu của mọi người, bao gồm cả các bạn học sinh. Tuy nhiên, ngoài những giá trị tốt đẹp được lan truyền, vẫn tồn tại không ít những điều xấu xí ảnh hưởng tới nhận thức, hành vi của các bạn ấy mà phụ huynh không thể kiểm soát hết. Vậy làm sao để dạy con sử dụng Internet? Quý phụ huynh hãy cùng Yonah tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Thời gian gần đây, các tin tức về bạo lực mạng, đánh cắp thông tin được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông khiến phụ huynh không khỏi lo lắng. Nhất là khi tình hình dịch bệnh phức tạp nên học sinh tại nhiều tỉnh thành phải chuyển sang học online, thời gian lên mạng nhiều hơn, cũng đem tới nhiều nguy cơ.
“Thách thức” đối với phụ huynh khi chưa dạy con sử dụng internet?
- Con dễ dàng truy cập vào các trang mạng xã hội qua các thiết bị di động: Với điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop, máy tính để bàn… được kết nối internet là các bạn học sinh đã có thể tiếp cận hàng loạt tin tức tốt/xấu trên mạng xã hội. Dù phụ huynh có cài đặt chương trình thiếu nhi nhưng các trang mạng xấu vẫn có cách “lách luật”, tiếp cận với các bạn ấy, thậm chí “kiếm tiền” từ lượt tiếp cận hay lượt xem từ đó. Chưa kể, các bạn ở độ tuổi thiếu niên vô cùng nhanh nhạy với internet và bắt đầu bộc lộ cái “tôi”, rất khó để phụ huynh can thiệp.
- Con dành quá nhiều thời gian để “lướt” web: Thế giới mạng đầy hấp dẫn với đa dạng hình thức giải trí mà ngay đến người lớn cũng khó lòng từ chối. Việc không kiểm soát được thời gian lên mạng sẽ ảnh hưởng tới thời gian biểu của các bạn học sinh, thậm chí là sức khỏe khi để mắt tiếp xúc với màn hình điện tử quá lâu.
- Con vô tư tiết lộ thông tin cá nhân trên “thế giới ảo”: Không ít kẻ xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của con em chúng ta; dụ các bạn ấy để lại thông tin cá nhân thông qua chương trình trao thưởng, trò chơi điện tử, đăng ký tài khoản… Mục đích là phục vụ cho việc mua bán thông tin khách hàng. Thậm chí tệ hơn, nếu kẻ xấu nắm được thời gian online, lịch trình cá nhân, địa chỉ nhà có thể bắt cóc, có hành vi đe dọa bạo lực.
- Con chưa nhận thức được hậu quả từ những thông tin bản thân đăng tải, tiếp cận: Nội dung đăng tải trên mạng sẽ được lưu lại, từ hình ảnh, video, bình luận… Nếu là nội dung nhạy cảm, kẻ gian có thể lợi dụng điểm này để phát tán, gây hậu quả cho chủ sở hữu. Bên cạnh đó, các bạn học sinh thường mang tâm lý giải trí đối với các nội dung trên mạng, kể cả bạo lực hay nội dung “rác”. Tuy nhiên về lâu dài, các nội dung này đều tác động ảnh hưởng tới nhận thức và hành động mà có thể chính các bạn ấy cũng không nhận ra. Nhất là vào giai đoạn dậy thì, tâm sinh lý thay đổi thì ảnh hưởng càng nghiêm trọng.
Phụ huynh nên làm gì ?
Trang bị cho con kỹ năng sắp xếp thời gian, lên kế hoạch công việc
Qua việc dạy các bạn học sinh kỹ năng sắp xếp và sử dụng quỹ thời gian một cách hợp lý, phụ huynh đã giúp các bạn ấy hình thành thói quen tính toán và biết đầu tư thời gian đúng đắn hơn. Các việc nên đầu tư nhiều thời gian có thể là tập thể dục, trau dồi kiến thức qua nhiều hình thức khác nhau, học mà chơi – chơi mà học…
Tiếp đó là kỹ năng lên kế hoạch cho công việc của mình: Việc nào quan trọng, cần ưu tiên, việc nào ít quan trọng hơn sẽ xếp vào cuối danh sách, đặt thời gian cụ thể cho từng đầu việc và triển khai từng bước. Các bạn học sinh sẽ không còn lo quên, bối rối khi không biết làm việc nào hay tâm lý bỏ dở giữa chừng.
Hai kỹ năng này nếu được nuôi dưỡng từ sớm sẽ tạo nên phong thái chỉn chu khi các bạn ấy trưởng thành.
Dạy con suy xét trước khi đăng tải bất kỳ thông tin nào lên mạng
Phụ huynh có thể tạo cho con thói quen tự đặt câu hỏi trước khi đăng tải bất kỳ thông tin gì lên mạng:
- Hình ảnh/bình luận này có ảnh hưởng xấu tới bản thân mình không?
- Hành động của mình có làm ai đó tổn thương không?
- Mình có xấu hổ, sợ hãi nếu bố mẹ, bạn bè nhìn thấy hình ảnh/bình luận đó không?
- …
Nếu câu trả lời là không, nghĩa là các bạn ấy không có bất kỳ băn khoăn gì đối với hành động của mình và đó là lựa chọn đúng. Tuy nhiên nếu áp đặt quá cứng nhắc, thói quen này có thể khiến các bạn ấy rụt rè, mang tâm lý sợ sai. Các bậc phụ huynh cần tinh tế khi áp dụng.
Chỉ cho con các giá trị đạo đức
Chúng ta không thể kèm cặp nhất nhất bên con để chỉ cho các bạn ấy đâu là đúng, đâu là sai. Điều phụ huynh nên làm là chỉ cho con em mình các giá trị đạo đức. Khi còn nhỏ, có thể các bạn ấy sẽ áp dụng một cách máy móc: như chào hỏi người lớn, nói cảm ơn/xin lỗi, gọi dạ bảo vâng… Nhưng khi lớn dần, các bạn ấy sẽ có nhận thức riêng, phát triển sâu hơn quan điểm đạo đức của mình trong lời nói và hành vi. Từ đó tự đánh giá và đưa ra quyết định phù hợp trên mạng và cả trong cuộc sống.
Lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông khi dạy con sử dụng Internet
Khi thấy con em mình có hành vi chưa đúng trên mạng xã hội, phụ huynh đừng vội la mắng hay phán xét rằng đó là hành động sai. Trước tiên hãy lắng nghe lý do tại sao bạn ấy làm thế để hiểu suy nghĩ và động cơ của con mình. Và khi hiểu rõ, phụ huynh mới có cách tiếp cận phù hợp để giải thích cho con tại sao sai và như thế nào mới đúng.
Chia sẻ trên vai trò hướng dẫn thay vì ép buộc
Thay vì “con phải”, hãy dùng “con nên”. Vừa làm giảm áp lực phụ huynh tạo ra cho con, vừa giúp các bạn ấy tiếp cận vấn đề gần gũi hơn. Và với các bạn thiếu niên đang tuổi dậy thì, cái “tôi” lớn thì việc bố mẹ tiếp cận với vai trò là người bạn lớn tuổi sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều so với vị thế người trưởng thành, áp suy nghĩ của người trưởng thành lên các bạn ấy.
Thế giới mạng không xấu nhưng các bạn học sinh cần học cách sử dụng thông minh. Một trong số đó là cách khai thác kiến thức từ “thư viện trực tiếp”. Ngoài các khóa học tiếng Anh trực tuyến, Yonah cũng ấp ủ kế hoạch về một thư viện online với kho kiến thức đa dạng về tiếng Anh. Quý phụ huynh và các bạn học viên hãy cùng chờ đón nhé!
>>> Xem bài viết: Có nên cho con trải nghiệm từ sớm?
>>> Theo dõi Facebook Tiếng Anh Online Yonah để cập nhật cho con nhiều bài học miễn phí thú vị.