Mẹ bận rộn dạy con tự lập như thế nào?
“Là một bà mẹ 8x bận rộn, tôi đã dạy con tự lập bằng cách nào?“
Việc dạy con ví như khiêu vũ. Đôi lúc cần phải giữ lấy con. Nhưng, đôi lúc tốt hơn nên thả tay để con tự do di chuyển.
>> Xem thêm bài viết: Có nên cho con trải nghiệm từ sớm?
Hôm nay, Yonah xin chia sẻ câu chuyện nuôi dạy con của một bà mẹ bận rộn.
Tôi đã dạy con tự lập như thế nào?
Trích dòng trạng thái của chị Ánh Vân – TP Vinh – Nghệ An:
“Mình là một người có tư duy mở, môi trường làm việc cũng năng động. Nghĩ là vậy, nhưng lúc đầu tư duy của mình cũng “cổ hủ” lắm. Lúc nào cũng muốn giữ con khư khư. Chắc ai làm cha mẹ cũng thế, thấy con có vết muỗi đốt cũng xót. Nghĩ vậy nhưng mình cũng phải tự trấn an và nới vòng tay. Vân chắc là cha mẹ nào cũng biết, con cái cần sự trải nghiệm để vững bước trên cả quãng đời, hơn là sự bao bọc trong phút chốc của cha mẹ.
4 tuổi, Vân lần đầu cho phép con cùng mình vào bếp. Mình phân công cho con việc rửa củ quả. Do không quen, con làm vung vãi nước lung tung, củ quả đã không sạch, lại còn rơi, dập, nát. Nói mọi người đừng cười, thật ra tính Vân khá nóng và việc gì cũng muốn làm xong cho nhanh. Tuy nhiên Vân vẫn luôn tự nhắc bản thân phải thật kiên nhẫn với con. Thật ra cũng không quá khó đâu các mẹ ạ. Cái quá trình rơi, dập nát, vương vãi đó diễn ra chỉ độ 1 tuần. Không phụ sự cố gắng của mẹ, con đã thành thạo quy trình rửa củ quả (cái quy trình mà cu cậu tự sáng tác: Rửa lần 1, xong lau bằng khăn, rửa lần 2, rồi lau khăn lần nữa và bày thẳng lên đĩa). Vui hơn nữa, con đã mong chờ và trân trọng bữa ăn hơn, còn đòi giúp đỡ mẹ nhiều hơn.
Cùng năm đó, con được cùng bố mẹ đi về quê cố ngoại ở Nghĩa Đàn. Thời điểm ấy bếp ga có rồi, tuy nhiên ông bà vẫn nấu cơm bằng bếp củi. Buồn cười là mẹ Vân không biết dùng bếp củi, loay hoay thổi lửa mà chảy cả nước mắt. Thế là cu cậu lại hỏi mẹ: “Mẹ ơi sao mẹ khóc? Mẹ cần con giúp gì không?”. Lúc đó Vân ngỡ ngàng lắm. Chưa bao giờ Vân nghĩ một đứa bé mới 4 tuổi mà đã biết cảm thông. Nghĩ lại, cái câu “mẹ cần con giúp gì không” chắc là cu cậu học theo khi mình hay hỏi con “con cần mẹ giúp gì không?” ấy! Thế là kể từ đó, Vân tự hứa với bản thân rằng sẽ cho con trải nghiệm nhiều hơn, để con tiếp tục nuôi dưỡng lòng tốt đầy trong sáng đó, để con nhìn được thế giới ngoài kia tươi đẹp biết bao.
6 tuổi, con chuẩn bị vào lớp 1. Thời gian này bố hay phải trực, nên mẹ phụ trách đưa đón con hoàn toàn. Một hôm đi học về, con gặp một cậu bé trạc tuổi đang ngồi bán hàng với mẹ ven đường. Con tôi hỏi tôi: “bạn kia không cần phải đi học à mẹ?”. Mình trả lời: “có thể gia đình bạn ấy khó khăn, không đủ tiền ăn và đóng học phí, nên bạn ấy phải giúp mẹ bán hàng để mua đồ ăn, mua sách học đó con”. Xong, mình chủ động dừng xe, dùng 200.000 để mua 1 nải chuối và bảo không cần phải trả lại tiền thừa. Mình có giải thích với con, khoản tiền thừa ra tuy không nhiều, nhưng có thể cũng sẽ giúp cả nhà bạn tối nay có bữa cơm no. Mẹ cũng đang cố gắng làm việc để có thể giúp đỡ cho nhiều gia đình nữa. Cu cậu nhà tôi nghe vậy vui lắm. Trên đường về 2 mẹ con cứ nói chuyện ríu rít, rồi cu cậu kết luận rằng tương lai sẽ trở nên thật giàu có để có thể giúp đỡ cho mọi người!
7 tuổi, mùa hè đã đến sau năm học lớp 2. Con có một chuyến đi Ninh Bình cùng bà ngoại. Đây là lần đầu tiên mà con đi một chặng đường xa đến 400 cây số. Trên đường đi từ Nam ra Bắc, con cảm thấy tò mò và hỏi rất nhiều. Nào là “núi ở đây sao khác núi ở quê mình”, “ở đây sao nhiều sông hồ thế”, … và vô vàn câu hỏi khác. Thật vậy, một đứa trẻ 7 tuổi cũng có khả năng quan sát tốt, cũng biết cảm nhận cái đẹp của từng miền quê. Nhìn nhỏ bé vậy thôi chứ các con cũng biết đưa ra những cái nhìn rất sắc nét đấy các mẹ ạ.
Năm 10 tuổi, con trai tôi cùng chị họ cũng mới 12 tự dẫn nhau đi tàu ra Hà Nội. Hành lý tư trang các con đều rất tự chủ động chuẩn bị. Chuyến đi dài gần 7 tiếng, cũng kha khá lâu. Trước khi đi, các con đã tự phân công giờ “canh gác” để giữ hành lý và đảm bảo điện thoại luôn có thể kết nối. Chuyến đi chơi kéo dài gần 1 tuần. Đến khi về, các con có thể liệt kê ra những điểm yêu thích và những điều còn tiếc nuối, hứa hẹn lần sau sẽ trải nghiệm tiếp.
Chuyến đi tham quan Hà Tĩnh lần đầu tiên cùng lớp, con nhận ra không được uống nhiều coca trước khi lên ô tô nếu không muốn bị nôn.
Chuyến đi thăm sở thú cho con một nhận thức mới về việc bảo tồn động vật hoang dã. Con muốn đưa các bạn trở về với thiên nhiên nơi mà các bạn sinh ra.
Chuyến đi Yên Tử cho biết rằng con rất thích độ cao. Dù leo núi khá mệt, con nói con vẫn muốn đi lần nữa vì cảnh quan trên núi quá đẹp.
Mình cũng hiểu được nỗi khổ của các phụ huynh. Cha mẹ bây giờ ai cũng bận, không biết cho con đi trải nghiệm bằng cách nào. Vấn đề này rất đơn giản, bố mẹ có thể cho con đi dã ngoại cùng trường, đi tham gia những hoạt động ngoại khóa được những đơn vị uy tín tổ chức, hoặc ủy quyền chăm sóc trẻ khi đi tham quan theo tour, … Qua những hoạt động như vậy, con sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn, chủ động hơn. Từ đó, khả năng tiếp thu và sắp xếp của trẻ cũng sẽ tốt hơn rất nhiều.
Khi được trải nghiệm, con mạnh mẽ hơn, con tự giác hơn, con cố gắng hơn, con yêu đời, yêu người hơn …
Tóm lại, việc làm cha mẹ chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng cha mẹ hãy luôn cố gắng luôn kiên nhẫn với các con. Các con có thể con nhỏ tuổi, nhưng bên trong các con có rất nhiều ý tưởng đẹp đẽ và trong sáng đang chờ được khai phá. Nên cha mẹ hãy cố gắng cho con nhiều trải nghiệm hơn. Thay vì thời gian chỉ chăm chăm vào màn hình, hãy cho con nhìn ngắm thế giới bằng đôi mắt chân thực. “